Back Home

6 bước đơn giản bảo dưỡng máy nén khí piston đúng quy chuẩn

- Lượt xem: 19791

(0 đánh giá)

Bạn đã có kinh nghiệm bảo dưỡng máy nén khí chưa? Nếu chưa có thì bạn đừng bỏ qua bài viết này. Chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết đến bạn 6 bước phải làm để có được một quy trình bảo dưỡng máy nén khí Piston đúng chuẩn.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra các thông lệ thông dụng nhất đối với việc bảo dưỡng máy nén khí piston, với mục tiêu là giúp tối ưu công năng hoạt động và độ bền bỉ của máy.Vì có rất nhiều hãng máy xịt hơi với thiết kế và tiêu chuẩn khác nhau, khách hàng vẫn cần lưu ý tới các đặc thù của máy khi áp dụng các hướng dẫn trong bài viết này.

 

Tóm tắt nội dung:

4 bước hướng dẫn CHI TIẾT thay dầu máy nén khí

4 bước ĐƠN GIẢN để vệ sinh lọc gió máy nén khí.

Cách xả nước đọng ra khỏi bình tích khí

3 bước để thay thế dây đai đã cũ

Hướng dẫn vệ sinh mặt ngoài máy nén khí NHANH - GỌN - SẠCH

Hướng dẫn kiểm tra tốc độ nạp khí cho máy nén khí

 

1. 4 bước hướng dẫn CHI TIẾT thay dầu máy nén khí

Thay dầu định kỳ là công tác dưỡng quan trọng nhất đối với các dòng máy nén hơi có dầu, cần được thực hiện mỗi 500-1000 giờ chạy máy, hoặc thường xuyên hơn nếu máy hoạt động liên tục, kéo dài.

Việc thay dầu khá dễ thực hiện, dưới dây là các bước quy chuẩn:

  • Trước khi bắt đầu thay dầu, cho máy chạy vài phút để dầu ấm lên và bớt sệt, theo đó sẽ dễ thoát ra khỏi khoang dầu hơn.
  • Tháo ốc xả dầu, và hứng dầu chảy ra cho đến khi dầu ngừng chảy hoàn toàn. Vặn chặt ốc xả dầu vào vị trí cũ. Ở máy nén khí cỡ lớn, phục vụ hệ thống khí nén quan trọng, kỹ thuật viên cần loại bỏ ốc xả dầu cũ và thay bằng ốc mới 100%.
  • Vặn mở nắp trên đỉnh khoang dầu, châm từ từ dầu mới vào khoang. Với một số đầu nén có van dẫn bé, hãy châm dầu kiểu đứt đoạn: đổ một chút, ngưng, rồi lại đổ một chút.
  • Khi dầu đạt mức yêu cầu, ngừng châm và đóng nắp khoang dầu. Phần lớn máy nén khí yêu cầu mức dầu tiêu chuẩn là 2/3 mắt thăm dầu. Một số máy có thể khác, hãy tham khảo hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất.

Phần lớn nhà sản xuất khuyến nghị sử dụng dầu chuyên dụng cho máy nén khí, tuy nhiên tại Việt Nam, do khó khăn từ thuế nhập khẩu, quy định môi trường, sản lượng tiêu thụ, và cách phân phối tới tay người dùng, có rất ít đơn vị bán dầu máy nén khí với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng dầu nhớt ô tô cho máy nén khí, vì có tính chất rất tương đồng và giá cả chấp nhận được. Chúng tôi khuyên dùng nhớt W30 (không cần quan tâm con số phía trước chứ W, ví dụ 5W30 hoặc 10W30) cho máy nén khí piston. Và hãy nhớ chọn nhớt không phụ gia. Các chất phụ gia chỉ có ích cho động cơ xe, còn bên trong đầu nén khí thì các chất này lại có thể bám cặn, khiến khả năng tản nhiệt của đầu bị suy giảm.

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng dầu thủy lực cho đầu máy nén khí. Nghe có vẻ phi lý, nhưng trên thực tế chúng tôi đã gặp không ít trường hợp khách cho dầu thủy lực vào đầu nén (vì thiếu kiến thức), dẫn đến đầu bị hư hỏng nặng.

Xả dầu và châm dầu cho đầu nen

Xả dầu và châm dầu cho đầu nén

 

2. 4 bước ĐƠN GIẢN để vệ sinh lọc gió máy nén khí:

Máy khí sẽ nạp chậm hơn nếu bộ lọc khí có tích tụ quá nhiều bụi bẩn, gây tắc nghẽn.Phần lớn máy nén khí piston đều có bộ lọc khí kiểu đơn giản, khá dễ vệ sinh và thay thế.

  • Tháo bộ lọc ra khỏi đầu nén bằng cách vặn ren.
  • Mở bộ lọc và vệ sinh bên trong, loại bỏ bụi bẩn và dị vật (nếu có). Có thể dùng khí nén để thổi bụi, tuy nhiên tránh dùng khí quá lực quá cao, có thể dẫn đến hư hỏng các lớp lọc.
  • Lắp ráp hoàn chỉnh bộ lọc và vặn lại vào đầu nén.
  • Nếu bộ lọc đã quá xuống cấp, tìm mua và thay thế bộ lọc mới 100%.

Tham khảo thêm: Có cần thiết phải sử dụng bộ lọc khí nén cho hệ thống khí nén không?

 

Bộ lọc có ren

Với bộ lọc có ren vặn vào đầu nén, chỉ việc vặn ra, tháo rời và vệ sinh bên trong

 

3. Thường xuyên xả nước đọng ra khỏi bình tích khí

Tại sao nên thường xuyên tiến hành quá trình xả nước cho bình tích khí? Bình tích khí sẽ liên tục tích tụ hơi nước từ chính dòng khí nén được nạp vào bình.Nếu máy làm việc nhiều, hoặc làm việc ở môi trường ẩm thấp, tình trạng tích hơi nước này sẽ diễn ra càng nhanh.Hơi nước tích tụ trong bình càng nhiều, thì thể tích dành cho chứa khí nén càng ít đi.Ngoài ra, hơi nước quá nhiều trong khí nén cũng sẽ gây hại cho các dụng cụ khí nén đầu cuối.

Van xả nước thường nằm ở dưới đáy bình.Mở van từ từ để xả dần nước ra khỏi bình.Đóng van khi nước được xả hết.

Van xả

Van xả có nhiều thiết kế đóng, mở khác nhau, nhưng luôn nằm ở đáy bình

 

4. 3 bước để thay thế dây đai đã cũ

Dây đai có độ căng vừa đủ là thành phần quan trọng để máy nén khí hoạt động đúng công suất danh định. Phần lớn máy nén khí piston có dây đai lộ thiên, được bảo vệ bởi một lồng lưới. Với thiết kế này, việc thay thế dây đai là tương đối dễ dàng.

Gỡ bỏ lồng bảo vệ, thường rất đơn giản, bằng cách vặn các con ốc cố định lồng.

  • Khi dây đai đã lộ thiên hoàn toàn, giám định xem việc thay thế có cần thiết không. Nếu dây có quá nhiều điểm nứt vỡ, rách, hoặc quá trùng, thì chuyển sang bước tiếp theo.
  • Để tháo dây đai cũ ra khỏi hệ thống, cầm dây thật chắc và kéo căng ở phía bánh đà, cùng lúc đó quay bánh một chút là dây đai sẽ rời ra khỏi hệ thống.
  • Chuẩn bị đây đai mới, lắp trước một đầu vào puly.Kéo căng đầu còn lại trùm lên bánh đà và quay bánh xuôi chiều là dây đai sẽ khớp hoàn toàn vào hệ thống.

Dây đai bánh đà

Dây đai, bánh đà và lồng bảo vệ

Với máy nén khí có dây đai ở trong khoang kín, việc thay thế sẽ phức tạp và chi li hơn, hãy tuân thủ các hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất.

 

5. Hướng dẫn vệ sinh mặt ngoài máy nén khí NHANH - GỌN - SẠCH

Máy nén khí sẽ liên tục sinh nhiệt trong quá trình làm việc, và đầu nén thường có các lá tản nhiệt để khắc phục vấn đề này.Máy nén khí 2 cấp thì thường có khoang tản nhiệt cho khí trước khi thực hiện nén lần 2.

Nếu đầu nén và tản nhiệt bị bám bụi dầy đặc, tiếp xúc không khí sẽ giảm bớt và khả năng tản nhiệt sẽ kém đi đáng kể, dẫn đến rủi ro giảm tuổi thọ đầu nén và máy nén khí.

Hãy thường xuyên loại bỏ các lớp bụi bẩn trên thân máy và đầu nén.Đặc biệt quan tâm đến khu vực lá tản nhiệt và khoang tản nhiệt của đầu nén.

 

6. Kiểm tra thời gian nạp đầy khí

Khi lắp đặt máy mới, hãy chủ động đo thời gian nạp khi từ khi bình rỗng đến khi đầy 100%, ở mức áp lực tối đa tiêu chuẩn của máy. Ghi lại con số đo được để làm tiêu chuẩn.

Sau đó, bạn có thể định kỳ đo lại khoảng thời gian này trong suốt quá trình sử dụng máy. Nếu thời gian nạp lâu hơn quá nhiều so với con số tiêu chuẩn, thì chắc chắn là máy đang có vấn đề. Bạn có thể tự kiểm tra và bảo dưỡng theo các bước nói trên, hoặc yêu cầu hỗ trợ từ đơn vị cung cấp máy.

Thời gian nạp khí

Thời gian nạp đầy khí là thước đo chuẩn để xác minh hiệu năng máy

 

Trên đây là các bước tiêu chuẩn để bảo dưỡng máy nén khí piston, vốn là loại máy nén khí phổ biến nhất, cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Hi vọng rằng bài viết này có thể giúp ích cho những người đang sở hữu và vận hành máy nén khí, giúp họ tối ưu công năng và vòng đời của máy.

Bạn có thể tham khảo quy trình bảo dưỡng máy nén khí tại đây nhé:

 

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hoặc cần trợ giúp về bảo dưỡng máy nén khí các loại, hãy liên hệ với Thiết Bị G20 – Đơn vị cung cấp máy nén khí nhập khẩu, các dòng máy nén khí Pegasus giá rẻ, và giải pháp khí nén chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Tin liên quan
Bình luận về bài viết

Hiện tại chưa có ý kiến đánh giá nào về bài viết. Hãy là người đầu tiên chia sẻ cảm nhận của bạn.