Back Home

Hướng dẫn đảm bảo an toàn khi sử dụng cầu nâng ô tô 2 trụ

- Lượt xem: 4816

(0 đánh giá)

Cầu nâng ô tô 2 trụ là có thể được coi là bản lề của một ga-ra sửa chữa ô tô. Ngày nay, với giá thành rẻ và chất lượng cải thiện, ngay cả các ga-ra “cỏ” cũng thường sở hữu 1-2 bộ cầu. Độ phổ biến gia tăng, nhưng không phải người thợ nào cũng đang nắm rõ các quy tắc an toàn khi sử dụng cầu hai trụ, dẫn đến những rủi ro an toàn lao động nhất định.

Bài viết này mong muốn đưa ra một số kiến thức cơ bản đối với việc đảm bảo yếu tố an toàn trong quá trình vận hành cầu nâng ô tô hai trụ.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống an toàn

  • Hệ thống khóa tay nâng

Cầu nâng xe 2 trụ có bốn tay nâng xoay được, cho phép người vận hành thay đổi vị trí, chiều cao, thậm chí là chiều dài sao cho phù hợp với nhiều loại xe khác nhau. Khả năng thay đổi này yêu cầu các nhà sản xuất cầu thường áp dụng một cơ cấu hãm để ngăn không cho các tay nâng động đậy khi xe đã được nâng lên cao. 100% các hãng cầu chất lượng cao đều có hệ thống hãm tay nâng này, thông thường dưới dạng một cơ cấu bánh răng có khả năng tự động khóa tay cầu mỗi khi xe được nâng lên. Bánh răng này sẽ chỉ nhả ra khi tay nâng được hạ xuống vị trí thấp, an toàn. Hệ thống này được thiết kế tự động, người vận hành không phải lo đến chuyện “quên” khóa tay cầu. Tuy nhiên, người vận hành có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra (ví dụ, mỗi đầu tuần) cơ cấu bánh răng xem có điểm bất thường nào không, và khắc phục ngay nếu phát hiện thấy vấn đề như gãy, mòn, v.v…

 Hệ thống khóa tay nâng tự động được trang bị trên cầu nâng ô tô Konia, Titano

Hệ thống khóa tay nâng tự động được trang bị trên cầu nâng ô tô Konia, Titano

  • Hệ thống hãm an toàn

Cầu nâng xe ô tô chất lượng cao luôn được trang bị cơ cấu hãm tự động khi xe được nâng lên, nhằm triệt tiêu nguy cơ xe rơi tự do khi xảy ra sự cố như đứt cáp, vỡ ống dẫn dầu. Thông thường, khi xe được nâng đến chiều cao đủ để làm việc, người vận hành nên cho cầu hạ xuống một chút sao cho bộ phận nâng tải nằm ngay trên hệ thống hãm, để giúp giảm thiểu độ ăn mòn đối với hệ thống treo. Khi khóa đã vào vị trí, người vận hành cần có động tác mở khóa hãm trước khi hạ cầu, thường là bằng cách nâng cầu lên một chút, hoặc thông qua cần gạt. Các hãng cầu lớn thường thiết kế sao cho các bước khóa cách nhau 12-15cm, nhằm đảm bảo an toàn tối đa. Người vận hành có trách nhiệm kiểm tra hệ thống hãm và nhận biết các dấu hiệu bất thường (khóa không kích hoạt, không vào đúng vị trí, v.v…) nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành cầu.

 Hệ thống hãm tự động bên trong thân cầu

Hệ thống hãm tự động bên trong thân cầu

Bảo dưỡng cầu đúng thời hạn và đúng quy cách

Hàng tháng, kiểm tra đầy đủ theo các hạng mục sau

  1. Kiểm tra các hệ thống an toàn, đảm bảo độ tin cậy.Kiểm tra tay nâng, pad đỡ và hệ thống khóa tay.
  2. Kiểm tra cáp để phát hiện han gỉ, ăn mòn. Ngoài ra cần đảm bảo cáp được cân chỉnh (căng) chuẩn để xe không bất thăng bằng khi nâng.
  3. Kiểm tra các điểm kết nối, bu lông. Nếu phát hiện lỏng lẻo thì cần vặn chặt lại.
  4. Kiểm tra thân cột về đọ vuông vắn, độ khít.
  5. Kiểm tra bình dầu thủy lực và hệ thống dẫn dầu, để phát hiện rạn nứt, rò rỉ.
  6. Bôi trơn các bộ phận.

Chi tiết về kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống cáp của cầu nâng

Cáp của cầu nâng cần được thay thế mỗi 3-5 năm, hoặc ngay khi phát hiện hư hại.

Cáp được chăm sóc tốt sẽ có độ bền cao hơn rất nhiều. Hãy tra dầu bôi trơn cáp mỗi 3 tháng.

Khi cầu đang nâng hạ, người vận hành có thể tranh thủ kiểm tra tình trạng cáp một cách dễ dàng.

Cáp hao mòn theo thời gian là chuyện không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu cáp có các dấu hiệu hư hại lớn như sứt mẻ, nhiều sợi nhỏ bị bung, xoắn vặn bất thường, ăn mòn sâu thì cần phải được thay thế ngay. Ngoài ra, nếu cáp bị bào mòn chỉ còn 90% đường kích nguyên bản (ví dụ, đường kính nguyên bản là 10cm, nhưng hiện tại chỉ đo được là 9cm) thì cũng cần phải được thay thế.

Hình dưới có liệt kê một số hư hại đáng chú ý:

cáp hao mòn theo thời gian

Vận hành cầu nâng đúng phương pháp

Cầu nâng được sản xuất bởi các hãng uy tín có độ an toàn rất cao, cầu nâng 2 trụ có hai dòng chính là cầu nâng đối xứng và bất đối xứng, bạn có thể tìm hiểu tại đây, vì chúng được kiểm nghiệm vô cùng kĩ lưỡng trước khi xuất xưởng, và được trang bị nhiều hệ thống đảm bảo an toàn khẩn cấp.

Trên thực tế, 90% các sự cố liên quan đến cầu nâng ô tô đến từ lỗi của người vận hành, cụ thể hơn là từ sự cẩu thả hoặc thiếu đào tạo.

Một trong những vấn đề lớn nhất trong vận hành cầu nâng an toàn là lựa chọn điểm đặt pad đỡ. Người thợ có kinh nghiệm thường sẽ không bao giờ chọn điểm nâng bên dưới rocker panel (phần nhựa nằm ngay dưới cửa, bên hông xe). Bộ phận này thường xuyên bị han gỉ, xộc xệch, nên không thể được coi là điểm an toàn để đặt pad đỡ. Thay vào đó, hãy chọn những điểm chắc chắn nhất dưới gầm xe, dù lăn lê bò toài để điều chỉnh tay nâng vào đúng vị trí.

Vấn đề lớn tiếp theo là cân bằng xe thật chuẩn so với cầu, đặc biệt đối với các dòng xe cỡ lớn. Nếu trọng lượng xe dồn quá nhiều về phía trước hoặc phía sau cầu, thì rủi ro xe bị nghiêng/đổ là rất lớn. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng kinh nghiệm và học hỏi. Nếu người vận hành hiểu rõ thiết kế của nhiều hãng xe, nhiều dòng xe, thậm chí là các chi tiết như vị trí động cơ, cơ cấu khung gầm… thì việc cân bằng tải nâng sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Cân bằng tải cầu nâng 2 trụ

Cân bằng tải của xe không nhất thiết là 50/50.

Người thợ có kinh nghiệm sẽ luôn có thói quen kiểm tra nhanh khi xe mới bắt đầu được nâng: quan sát độ cân bằng bằng mắt thường, cảm nhận xem xe có rung lắc bất thường không, nhận biết và phản ứng nếu cầu có biểu hiện bất thường.

 

Sử dụng cầu nâng là một quy trình có tiềm ẩn rủi ro, đây là điều mà mọi người thợ ga-ra phải khắc cốt ghi tâm. Tạm thời, chúng tôi xin được kết thúc bài viết tại đây. Trong tương lai, bài viết sẽ được cập nhật để bổ sung chi tiết hơn nữa các về liên quan đến an toàn vận hành cầu nâng 2 trụ và cầu nâng ô tô nói chung.

Tin liên quan
Bình luận về bài viết

Hiện tại chưa có ý kiến đánh giá nào về bài viết. Hãy là người đầu tiên chia sẻ cảm nhận của bạn.